Tìm hiểu Tà lưa nghĩa là gì mới nhất hiện nay
Tà lưa nghĩa là gì? Ở đây bạn tìm thấy 2 ý nghĩa của từ tà lưa. Bạn cũng có thể thêm một định nghĩa tà lưa mình. Ngôn ngữ “Tà Lưa” vốn là một ngôn ngữ “cổ”, tuy chưa thất truyền nhưng dân gian ít người sử dụng, ngược lại nó rất thông dụng ở những chốn cao sang, quyền quý.
Trong tiếng Việt, từ “Tà Lưa” được dùng để chỉ cách nói “mơ hồ, khó hiểu, hiểu thế nào cũng được…”. Từ chỗ chỉ là một cách nói, các bậc “cao nhân” đã phát triển thành ngôn ngữ dành riêng cho giới cổ cồn mũ cối, xin tạm gọi là “Ngôn ngữ Tà Lưa”. Cho đến nay trong phạm vi ngôn ngữ học, chưa thấy có vị giáo sư, tiến sĩ nào xin kinh phí cấp Bộ hay cấp Nhà nước để nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ này. Nếu bài viết được bạn đọc coi là nét gạch đầu dòng thứ nhất của “Luận án Tà Lưa” thì thật là quý hóa.
Thế thì vì sao binh pháp quan trường lại phải quan tâm đến “Ngôn pháp Tà Lưa”?
“Binh pháp quan trường” chứa đựng những ấp ủ đầy nhiệt huyết của tác giả Xuân Dương. Ông đã phải chắt chiu kiến thức, kinh nghiệm và cả tấm lòng để viết ra những bài viết ấy.
Loạt bài gồm 9 kế, đã được bắt đầu gửi đến quý vị từ trong năm.
Xuân mới, kính chúc quý vị sức khỏe, gia đạo vững vàng, hòa thuận, an lành, hạnh phúc
Ngôn ngữ có thể coi là bất biến trong từng giai đoạn nhưng việc vận dụng nó, tức là “ngôn pháp”, thì luôn thay đổi, tùy theo người nói khỏe hay ốm, trời nắng hay mưa, kẻ nghe sang hay hèn… mà cao giọng hay thấp giọng. Vậy nên đã đội mũ cánh chuồn chuồn mà không biết ngôn pháp, nhất là “Ngôn pháp Tà Lưa” thì chỉ còn cách sắm cái cành tre, buộc thêm nắm giẻ đằng đầu.
Ngôn ngữ “Tà Lưa” vốn là một ngôn ngữ “cổ”, tuy chưa thất truyền nhưng dân gian ít người sử dụng, ngược lại nó rất thông dụng ở những chốn cao sang, quyền quý, ở đó thứ dân dẫu có vểnh tai nghe cũng chưa chắc hiểu được điều gì.
“Ngôn pháp Tà Lưa” bao gồm hai thế là “Ngôn” và “Pháp”. Giải thích các thế này, xin lỗi bạn đọc đành phải “bốc phét” một tí.
“Pháp thế” trong “Ngôn pháp Tà Lưa” là phương pháp diễn giải ngôn ngữ, tức là cách sử dụng những thứ trời cho từ vai trở lên để đẩy “lời vàng, ý ngọc” đến tai thính giả. Nói “Tà Lưa” là ngôn ngữ “cổ” vì khi diễn thuyết cổ phải ngoẹo đi một tí, mặt phải nghiêng nghiêng, nghếch nghếch lên một tí. Đố ai tìm được vị Tổng thống Mỹ nào khi diễn thuyết mặt lại không nghiêng, không nghếch, không tỏ vẻ ta đây. Ngoài các động tác “ngoẹo, nghiêng, nghếch” lại còn phải biết lúc nào cúi xuống, lúc nào đánh cằm vếch lên, kết hợp các thứ cơ bắp xung quanh cổ với đường dây dẫn bên trong cổ mà phát âm lên bổng xuống trầm, thậm chí còn phải “à ới” một tí cho người nghe sốt ruột.
Về phương diện “Ngôn thế”, “Tà Lưa” là cách diễn đạt một câu nói dựa vào ngữ điệu, cùng một câu người nghe có thể hiểu theo những nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, chẳng hạn câu “giò chả ngon”. Nếu mà người nói nghỉ lấy hơi sau từ “giò” (tương đương đặt sau từ “giò” dấu phảy) thì có nghĩa “giò là món không ngon”, còn nếu mà nghỉ lấy hơi sau từ “chả” thì lại có nghĩa là “giò, chả là món ăn ngon”. Có người còn suy diễn “Tà Lưa” là nói ngược, nói lái kiểu như: à, nó “lừa ta” đây mà, điều này thì nhà em không dám khẳng định, thôi thì hiểu thế nào là tùy người nghe.
Xin đơn cử một ví dụ, có một hưu quan nói với cánh báo chí rằng “ông lao động đến thối cả ngón tay”, đám thị dân gật gù bảo “hóa ra cả đời, ông ta làm việc với… ngón tay thối”. Nói theo kiểu “Tà Lưa” thì “thối ngón tay” biến thành “ngón tay thối”, xin mọi người cho biết nói thế có đúng không?
Có tiền mua căn hộ áp mái ở những chung cư bảy tám chục tầng, nếu mà nhìn xuống, chẳng cứ thị dân, kể cả “công bộc” cỡ tiểu, cỡ trung cũng chẳng khác gì cái kiến, tất cả đều giống nhau, đều là những dấu chấm biết đi mà thôi.
Còn nếu mà nằm giữa vừng hào quang chói lọi của vương quyền, như người Tầu nói là “Thiên tử” tức là Trời con, muôn “kiến” nhìn vào đều chói mắt chẳng thể phân biệt là đỏ hay đen, vậy thì muốn sai bào kiến binh, kiến thợ, kiến cánh, kiến càng… chỉ còn cách là dùng lời nói.
Nói đến “Trời con” chợt nhớ câu nói của người Việt đồng bằng “Con Cóc là cậu ông Trời”, còn đồng bào Tày miến núi Lạng Sơn mô tả hiện tượng nhật thực là “Cop kin tha vằn” (cóc ăn mặt trời), một sự trùng hợp thật là thú vị.
Người xưa bảo quân tử “nhất ngôn cửu đỉnh” nghĩa là người quân tử một lời nói nặng tựa chín cái đỉnh, ngày nay đỉnh đồng rất hiếm, người già còn chẳng mấy khi nhìn thấy huống hồ là đám “choai choai” nên người ta đành phải dùng cách nói của ngôn ngữ “Tà Lưa” là: “nhất ngôn cửu bò húc”. Dù lon bò húc rất bé nhưng mỗi lon có tới bốn con bò nên “cửu bò húc” nghĩa là ba mươi sáu con bò, chắc chắn là nặng gấp mấy lần cửu đỉnh.
Ở ngôi cao của vương quyền, tìm một người không biết “Ngôn pháp Tà Lưa” có lẽ còn khó hơn tìm kim đáy cống. Chẳng thế mà khi có người bảo trong máu dân tộc họ không có “gen bành trướng” thì thiên hạ vội vàng bịt mũi.
Với cấp thấp hơn, khi cấp dưới báo cáo với ông Bộ trưởng, rằng “mọi việc vẫn ổn, anh không cần phải vào kiểm tra”, không hiểu sao ông Bộ trưởng lại quát lên rằng “các anh toàn báo cáo láo”. Có lẽ vị Bộ trưởng nọ chưa biết “Ngôn pháp Tà Lưa” chứ mà biết rồi thì hẳn phải hiểu “anh không cần phải vào kiểm tra” nghĩa là nghĩa là có vấn đề đấy. Biết “Ngôn pháp” rồi thì Bộ trưởng không cần phải quát, quát làm tăng huyết áp đột ngột, hại cho sức khỏe, cứ kệ nó “Tà Lưa” rồi cho một cú thanh tra đột xuất, bọn “Tà Lưa con” ấy chỉ có đường chui xuống trốn dưới cống.
Người Tây Ban Nha có câu nói nổi tiếng “Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến”, sang nước Nga câu này biến thành “Chó sủa thì gió mang đi” (собака лает, ветер унес), thế nhưng ở đời cứ bịt tai mà tiến không phải là người khôn ngoan.
Từ tầng áp mái cao chót vót mà nhìn xuống, con người bé như cái kiến, có điều dù là kiến vẫn còn đường ngang, ngõ dọc mà đi, ngược lại từ dưới nhìn lên, cũng chẳng ai to hơn cái kiến, nhưng mà khổ thân, kiến ấy chỉ quanh quẩn bốn bức tường, sểnh chân là toi mạng.
Trên đời, món ngon đến mấy ăn mãi cũng chán, vậy nên lạm dụng “Ngôn pháp Tà Lưa” là điều kiêng kỵ. Thời đại của “lời nói gió bay” đã vĩnh viễn qua rồi, càng ở ngôi cao càng phải nhớ đến lời khuyên của bác NVL nghĩa là “nói và làm” đừng có “tà lưa” thành “nói và lừa” mà mang họa lúc nào không biết.
Người Việt ai cũng biết khẩu hiệu “Sống,chiến đấu, lao động vàhọc tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Không biết vị cao nhân nào đã nghĩ ra câu khẩu hiệu mang tính triết lý sâu sắc đến vậy. Muốn “chiến đấu, lao động vàhọc tập theo gương Bác” thì đầu tiên là phải “sống”. Nếu đã “sống” rồi thì tiếp theo là phải “chiến đấu”, còn nếu mà sống chỉ để “lao động và học tập” thì chưa xứng đáng là con cháu cụ Hồ.
Ngày nay, những người không biết hay biết chưa thấu đáo “Ngôn pháp Tà Lưa” tốt nhất là học cách của thợ may, bảy lần đo một lần cắt. Chỉ tay day trán cái lũ làm ăn gian dối trên công trường đường sắt Cát Linh-Hà Đông là lập tức bị bọn “Cầu Hoàn” la lối um xùm, sẵn sàng lấy đá ghè vào chân ghế. Cũng đừng học cách của mấy bà sồn sồn, xắn tay chỉ mặt người ta mà “tà thật”, dạng người “bốc hỏa” là luôn phải kiêng gió, biết đâu cửa mở gió lùa, hay lúc ra ngoài bị cảm gió, khổ con khổ cháu.
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, vậy thì “Ngôn pháp Tà Lưa” là tốt hay xấu? Thú thật là người viết cũng rất băn khoăn bởi lúc nó xấu, lúc nó không xấu. Những nhà ngoại giao kỳ cựu, trước các câu hỏi gài bẫy của cánh phóng viên về những vấn đề động chạm đến quốc gia, quốc thể, có thể trả lời tràng giang đại hải, vòng vo tam quốc, cuối cùng là chẳng trả lời gì cả, thế thì “tà lưa” là tốt. Còn nếu mà nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc nhưng lại “tà lưa” với dân chúng thì chắc chắn là không tốt.
Trong ngành Vật lý, dù mặt trời là vừng hào quang chói mắt nhưng các nhà quang học lại cho rằng “Mặt trời là vật đen tuyệt đối”. Sự trái ngược này xuất phát từ định nghĩa, rằng “Vật đen tuyệt đối là vật không cho ánh sáng xuyên qua”. Mặt trời là nơi phát ra ánh sáng, làm gì có ánh sáng nào xuyên qua được mặt trời.
Vậy nên chốn quan trường, dù “tà lưa” hay không “tà lưa” thì cũng phải chân thật với dân, đừng cố tự bao bọc mình bằng hào quang rực rỡ, làm thế người quê không biết chứ các nhà “Lý học” đều biết, đó chỉ là “Vật đen tuyệt đối” mà thôi./.